Viêm họng là tình trạng viêm gây đau khi nói hoặc nuốt thức ăn, viêm họng quá phổ biến đến nỗi dường như ai cũng bị viêm họng ít nhất là một lần trong đời. Viêm họng dễ xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa, và lặp đi lặp lại nhiều lần gọi là viêm họng mạn tính. Viêm họng cấp tính là viêm cấp tính của niêm mạc họng (được cấu tạo bởi lớp liên bào, tuyến nhầy và nang lympho). Viêm họng xung huyết là viêm họng cấp: hiện tượng xung huyết phù nề niêm mạc vùng họng do virut (chiếm từ 60-80% trường hợp), vi khuẩn
A. Viêm họng cấp tính
1. Nguyên nhân:
Đây là một căn bệnh khá phổ biến thường xuất hiện với bệnh viêm amidan. Bệnh có thể do các vi khuẩn như phế cầu liên cầu, do một số vi khuẩn đã có sẵn trong họng.
2. Triệu chứng:
- Bệnh nhân có thể sốt đến 39-40 độ C rát họng, nuốt khó và có cảm giác rất khó chịu.
- Người bệnh thấy đau lên tai và đau nhói khi nuốt, sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi nhày, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan.
- Hai amiđan viêm to, trên bề mặt amiđan có chất nhày trong, có khi có bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt, hạch cổ bị sưng.
- Bệnh thường diễn biến trong 3-4 ngày, nếu sức đề kháng tốt, bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh. Nếu không chữa kịp thời đúng bệnh bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như viêm tai, viêm mũi, viêm phế quản…
3. Phương pháp chữa trị viêm họng cấp tính:
a. Theo tây y
Chỉ dùng kháng sinh khi viêm họng do vi khuẩn. Các loại kháng sinh hay dùng là: rovamycin 3 triệu UI, ngày 2 viên trong 7 ngày. Loại này rất tốt nhưng không phòng được thấp tim. Vì vậy, người ta hay dùng nhóm benzylpenicilin của các thế hệ như amoxicillin, augmentin. Vì các loại này có thể tiêu diệt được vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A. Người ta thường dùng tiêm hoặc uống từ 7-10 ngày. Đó là kháng sinh hiện nay khá phổ biến và có tác dụng tốt. Tuy nhiên đơn thuốc phải do Bác Sĩ chỉ định.
Còn đối với viêm họng do virut không cần dùng thuốc kháng sinh, người ta sử dụng các nhóm thuốc sau:
- Nhóm hạ nhiệt: như efferalgan, paracetamol, aspesic... chỉ dùng khi nhiệt độ trên 38oC và sau 4- 6 giờ mới dùng lại.
- Nhóm giảm ho như: atussin, siro phenergan, ho bổ phế, theralen...
- Nhóm làm cho độ pH ở họng ổn định, giảm ngứa, giảm rát như: rhinathiol viên hoặc siro, các loại thuốc ngậm như oropivalon, lysopaiin, các loại thuốc phun như: locatiotal..
- Nhóm thuốc súc họng bằng các dung dịch kiềm như: nước muối sinh lý, thuốc súc họng TB...
- Nhóm giảm phù nề chống viêm, tan đờm như: a - thymotrypsin, mucomyst, mucosoval...
- Cuối cùng là nhóm sinh tố nâng cao thể trạng.
- Thông thường bệnh sẽ khỏi trong vòng từ 7-10 ngày.
- Phòng bệnh viêm họng bằng cách giữ ấm cổ, ngực, lòng bàn chân trong mùa lạnh là rất quan trọng. Bên cạnh đó cần vệ sinh răng miệng, sát trùng mũi họng, bồi dưỡng sức khỏe, tập thể dục và tập thở hằng ngày.
b. Theo đông y
- Kinh giới 16g, bạc hà 8g, kim ngân 12g, cỏ nhọ nồi 8g, huyền sâm 12g, xạ can 4g, sinh địa 12g, tang bạch bì 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần
- Kinh giới 12g, bạc hà 6g, kim ngân 20g, cát cánh 4g, liên kiều 12g, cam thảo 4g, ngưu bàng tử 12g, sinh địa 12g, cương tàm 12g, huyền sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
- Dùng thuốc hạ sốt nếu người bệnh sốt cao
- Nên súc họng bằng nước muối loãng để chống đau họng.
B. Viêm họng mãn tính
1. Triệu chứng:
- Cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên (nhất là sáng sớm, khi ngủ dậy).
- Nhiều người bệnh do ngứa họng nên hay khậm khạc, dặng hắng.
- Khám tại chỗ thấy thành bên họng hơi đỏ, thành sau họng có những hạt trắng.
- Khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút (do nhiễm virus, làm việc căng thẳng, thay đổi thời tiết), bệnh có thể nặng lên thành một đợt viêm họng cấp (đau họng, sốt, ho khạc đờm đặc…)
2. Phương pháp điều trị viêm họng mạn tính
Theo Đông y
- Sinh địa 16g, xạ can 6g, huyền sâm 16g, kê huyết đằng 12g, mạch môn 12g, thạch hộc 12g, tang bạch bì 12g, bạch cương tàm 8g, cam thảo nam 2g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
- Sa sâm 16g, thiên hoa phấn 6g, hoàng cầm 12g, cát cánh 4g, tang bạch bì 12g, cam thảo 4g.
- Nếu cổ họng có nhiều hạt lympho gia xạ can 8g. Họng khô rát gia thạch hộc 16g, huyền sâm 12g. Nếu đờm quánh dính, khó khạc ra được gia qua lâu 8g, bối mẫu 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
- Bệnh viêm họng mạn tính nếu không điều trị tích cực và kiên trì sẽ rất khó khỏi.
Theo Tây y
Với viêm họng mạn tính, để điều trị bệnh, người ta có thể can thiệp bằng cách đốt hạt bằng muối bạc, bằng axít chromic, đốt điện, đốt bằng laser CO2 hoặc bằng nitơ bạc. Tuy nhiên các biện pháp phòng bệnh là quan trọng hơn cả.
C. Cách phòng tránh bệnh viêm họng hiệu quả
- Để giảm bớt triệu chứng và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng, nên áp dụng một phương pháp đơn giản mà hiệu quả: súc họng bằng nước muối loãng.
- Ăn các thực phẩm thanh đạm, dễ tiêu hoá, cùng các thực phẩm chứa nhiều nước, mềm, có tác dụng thanh nhiệt. Nên ăn nhiều rau quả có chứa vitamin C và các thực phẩm giàu collagen và elastin như móng lợn, sữa, các loại đậu, gan động vật, thịt nạc…
- Đeo khẩu trang để tránh bụi và không khí ô nhiễm.
- Không nên uống nước đá, đồ uống lạnh, tắm nước lạnh, ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp vì nóng lạnh đột ngột dễ gây viêm họng đỏ cấp.
- Luôn giữ ấm cổ và ngực khi trời trở lạnh.
- Không hút thuốc và uống rượu.
- Thường xuyên mở cửa để không khí lưu thông.
Sức khỏe toàn dân là Trang thông tin chính thức của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cung cấp đầy đủ các thông tin chính thống, kiến thức và hàng loạt các tiện ích để phục vụ người dân chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình theo Chương trình Sức khỏe Việt Nam, vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.