Ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Y tế tổ chức lễ khai trương nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.
Cùng dự buổi lễ còn có: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Lãnh đạo trường Đại học Y Hà Nội, Cục Tin học hoá, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), BKAV, đại diện các bệnh viện vệ tinh và các doanh nghiệp tham dự qua 8 điểm cầu truyền hình.
Tại buổi lễ, sau khi chứng kiến các chuyên gia hội chẩn từ điểm cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội dành cho bệnh nhân thông qua nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa, từ điểm cầu Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trò chuyện trực tuyến với bệnh nhân, động viên bệnh nhân 64 tuổi ở Hà Nội chiến thắng bệnh tật.
Thủ tướng cũng đã chúc mừng các y bác sĩ của các bệnh viện tham gia buổi hội chẩn trực tuyến, đặc biệt các bệnh viện tuyến dưới, đã bước đầu thành công trong việc ứng dụng công nghệ số trong khám chữa bệnh.
Đáp lời Thủ tướng, nam bệnh nhân Đỗ Văn H đã gửi lời chúc sức khỏe đến Thủ tướng, chúc Thủ tướng chỉ đạo các ban ngành, nhân dân sẽ đoàn kết chiến đấu, chiến thắng dịch bệnh COVID-19 trong thời gian sớm nhất
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi khai trương tại điểm cầu Bộ TT&TT Ảnh Chinhphu.vn
COVID-19 đã thúc đẩy cả ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số, nhanh nhất có thể
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Hai lĩnh vực được đánh giá là sẽ có nhiều bước tiến quan trọng, do tác động của COVID-19, là y tế và công nghệ số.
“Nhiều năm nay, chúng ta đã nói nhiều đến bệnh viện online, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử, kết nối liên thông giữa bệnh viện các tuyến, y học gia đình, nhưng các chuyển biến là chưa nhiều. COVID-19 đã thúc đẩy cả ngành y tế đến lựa chọn phải chuyển đổi số, nhanh nhất có thể. Việc giảm tải cho các bệnh viện sẽ giúp huy động nguồn lực khám chữa cho bệnh nhân COVID-19, đặc biệt dự phòng chuẩn bị cho những kịch bản dịch bệnh diễn biến xấu hơn”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Việc tập trung đông người bệnh ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên, luôn là một nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Đặc biệt đối tượng người già, các bệnh nhân có bệnh nền có nguy cơ nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong rất cao, cần ở nhà, tránh nơi tiếp xúc đông người, nếu có nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa họ có thể không phải đến bệnh viện khi không thật cần thiết.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nền tảng này đảm bảo các hoạt động y tế từ xa, như tư vấn, hội chẩn khám chữa bệnh, hội chẩn chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn giải phẫu bệnh, hội chẩn phẫu thuật từ xa. Đây cũng là nền tảng Việt Nam, do Viettel phát triển và tích hợp. Nền tảng sẽ được triển khai miễn phí trong thời kỳ COVID-19, khi cả nước dang dồn hết sức phòng chống dịch bệnh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế đã có những đóng góp lớn trong việc phòng chống dịch bệnh
Phát biểu tại chương trình, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế nhấn mạnh, trong thời gian qua với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã thu được những kết quả đáng khích lệ trong công tác phòng chống dịch, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Về lĩnh vực y tế, trong thời gian qua, Lãnh đạo Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt cho ngành y tế và công tác chống dịch.Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế cả trên lĩnh vực dự phòng, khám bệnh.
Chính phủ đã yêu cầu các bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được. Tăng cường khám bệnh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến, điện thoại, viễn thông để giảm lưu lượng người đến khám bệnh tại các cơ sở y tế.
Chính vì vậy, việc khai trương “Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa” ngày hôm nay là việc làm rất có ý nghĩa, hiện thực hóa các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, chung tay phòng chống dịch COVID-19
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế đã có những đóng góp lớn trong việc phòng chống dịch bệnh như truy tìm dấu vết người nghi nhiễm, xác định nguy cơ, kê khai y tế điện tử…
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ: phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Y tế, Bộ TT&TT sẽ cùng phối hợp để triển khai các nền tảng công nghệ thông tin tới từng người dân, không cần đến cơ sở y tế vẫn nhận được các tư vấn khám chữa bệnh.
“Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện triển khai thí điểm hoạt động này. Về mặt pháp lý, Bộ Y tế sẽ giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối để xây dựng các hướng dẫn triển khai thí điểm, sau đó nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa
Đây là nền tảng do Viettel chủ trì đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực khám chữa bệnh từ xa theo quy định của Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa.
Sự ra đời của Nền tảng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các bệnh viện nhanh chóng thiết lập kênh hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh cho người dân, giảm chi phí đầu tư hệ thống ban đầu, bệnh viện không cần có sẵn đội ngũ chuyên gia CNTT tại chỗ để vận hành, duy trì. Nền tảng giúp triển khai đồng loạt Hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu, vì vậy, hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Y tế.
Các bệnh viện khi triển khai thêm kênh khám, chữa bệnh từ xa sẽ giúp giảm số lượng người trực tiếp đến bệnh viện, giảm bệnh nhân dồn về tuyến trên giúp xã hội và ngành y tế tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Người dân ở bất kỳ đâu cũng được hưởng chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.
Bộ TT&TT và Bộ Y tế kêu gọi các doanh nghiệp khác cùng tham gia phát triển không chỉ các nền tảng mà cả các ứng dụng, để đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số ngành y tế. Bộ TT&TT và Bộ Y Tế sẽ phối hợp hoàn thiện hành lang pháp lý về khám, chữa bệnh từ xa, ban hành các chuẩn mở để các hệ thống nền tảng, các ứng dụng tuân thủ các tiêu chuẩn và kết nối được với nhau.
Ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống COVID-19
Để từng bước đưa cuộc sống trở về bình thường, mà vẫn đảm bảo được việc phòng, chống đại dịch, bảo vệ cộng đồng, cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả. Giải quyết bài toán này có thể dựa vào công nghệ.
Với ứng dụng bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID–19 có tên Bluezone, mỗi người dân có thể cài ứng dụng này trên điện thoại, nhằm bảo vệ mình và cộng đồng, góp phần ngăn chặn sự lây lan của virus. Điều này giúp kiểm soát chặt chẽ sự lây lan của virus. Cơ quan chức năng có thể phản ứng nhanh, chính xác và kịp thời với tình hình trong khi người dân yên tâm với cuộc sống sinh hoạt bình thường, loạt bỏ tâm lý e ngại, hoang mang không cần thiết.
Nguyên tắc của Bluezone là bảo mật, ẩn danh và minh bạch. Ứng dụng chỉ lưu dữ liệu trên điện thoại của người dùng, không chuyển lên hệ thống cũng như không thu thập vị trí của người dùng. Mọi người tham gia cộng đồng Bluezone đểu ẩn danh với những người khác. Chỉ cơ quan y tế có thẩm quyền mới biết những người nhiễm và người nghi nhiễm do tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19.
Bluezone được phát triển dựa trên triết lý “Bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng”. Chiến lược sẽ triển khai trong thời gian tới là phát động chương trình “Mỗi người cài app cho 3 người khác”. Theo tính toán, chỉ trong khoảng 3 tuần, hầu hết người dùng smartphone sẽ được cài đặt Bluezone và được hệ thống bảo vệ. Khi đã có một cộng đồng như vậy, thậm chí ngay cả đối với những người không dùng app, cũng được bảo vệ.
Bộ Y tế và Bộ TT&TT khuyến khích mọi người dân sử dụng Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ người thân và những người xung quanh mình, bảo vệ cộng đồng, chung tay chống dịch.
Thái Bình
Sức khỏe toàn dân là Trang thông tin chính thức của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, cung cấp đầy đủ các thông tin chính thống, kiến thức và hàng loạt các tiện ích để phục vụ người dân chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình theo Chương trình Sức khỏe Việt Nam, vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn.